Lịch sử hình thành trường THCS Quảng Hùng

Đăng lúc: 16:47:22 27/03/2020 (GMT+7)

Hơn 50 năm hình thành và phát triển trương THCS Quảng Hùng đến nay đã có vị thế luôn xếp tóp đầu trong hệ thống giáo dục của TP sần sơn.

 I. KHÁI QUÁT VỀ ĐƠN VỊ XÃ QUẢNG HÙNG

Quảng Hùng là một xã ven biển nằm ở phía nam Thành phố Sầm Sơn:

(Được sát nhập về thành phố Sầm Sơn vào tháng 1 năm 2016 từ huyện Quảng Xương cùng với các xã Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Minh, Quảng Đại)

Phía Đông giáp biển.

Phía Tây giáp Quảng Đức (Huyện Quảng Xương).

Phía Đông Bắc giáp Quảng Vinh (TP Sầm Sơn).

Phía Tây Bắc giáp Quảng Minh (TP Sầm Sơn).

Phía Đông Nam giáp Quảng  Đại (TP Sầm Sơn).

Phía Tây Nam Giáp Quảng Giao (Huyện Quảng Xương).

          Xã thuộc vùng bãi ngang, ven biển với chiều dài bờ biển gần 1,6 km. Toàn xã có tổng diện tích tự nhiên là 393,78 ha số nhân khẩu là 6614 người với 1595 hộ (Thời điểm tháng 9 năm 2019) được phân bố thành 6 thôn chia làm 3 vùng gồm Hùng Giang - chủ yếu là trồng lúa, Hùng Tiến - trồng lúa và làm mầu, Hùng Sơn - đánh bắt, chế biến hải sản; với nhiều ngành nghề khác nhau, song với người dân ở xã chủ yếu là nghề nông nghiệp và ngư nghiệp.

Quảng Hùng có vị trí rất quan trọng cho phòng thủ bờ biển, bờ biển dài sạch và đẹp có nhiều tiềm năng về du lịch hiện đã có quy hoạch khu du lịch Nam Sầm Sơn và đã có dự án thiết kế xây dựng. Có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc giao thương với huyện Quảng Xương và thành phố Thanh Hoá.

IMG_20200328_095107 (1).jpg

Quảng Hùng đã về đích nông thôn mới thời điểm tháng 1 năm 2020, đây là khu công sở đang xây dựng

               Hiện nay Đảng bộ xã Quảng Hùng có 205 đảng viên sinh hoạt tại 9 chi bộ, nhiều năm liền Đảng bộ đã đạt Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân Quảng Hùng đã đóng góp sức người, sức của cùng cả nước dành lại độc lập tự do cho dân tộc.

- Toàn xã Quảng Hùng có 1070 thanh niên lên đường nhập ngũ.

- 275 dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên và chiến trường Miền Nam.

- Có  215 thanh niên xung phong tam gia chiến dịch Tây Bắc và Bình Trị Thiên.

- Có  79 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh.

- Có 77 thương bệnh binh đã để lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường khói lửa để giữ mãi màu xanh cho đất nước.

- Đảng và nhà nước đã trao tặng cho Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang 75 bảng vàng danh dự.

- Phong tặng 1 Anh hùng lao động. (ông: Nguyễn Công Thiệp)

- 1 Nhà giáo ưu tú: (thầy Lê Vạn Quỳnh)

- 278 Bảng gia đình vẽ vang.

- 635 Huân, huy chương kháng chiến.

- Quảng Hùng có 11 năm liên tục là đơn vị quyết thắng thời kỳ 1962 - 1973.

- Đặc biệt Quảng Hùng có 4 bà mẹ được phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

IMG_20200328_094926.jpg

Tượng đài Liệt sỹ xã Quảng Hùng

Quảng Hùng có 1 di tích lịch sử xếp hạng cấp Quốc gia. Khu di tích Chùa Kênh thờ Trần Triều Lục Vị Tướng Công. Các vị tướng triều nhà Trần đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Đây cũng là sự thể hiện truyền thống của nhân dân xã Quảng Hùng trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Nhân dân Quảng Hùng anh dũng trong chiến đấu, cần cù trong lao động. Đây là niềm tự hào của người dân Quảng Hùng, con em các thế hệ của Quảng Hùng dù đi đâu, ở đâu, làm gì cũng đều nhớ về quê hương với niềm tự hào khôn tả.  

29032015541.jpg

Lễ Hội Chùa Kênh xã Quảng Hùng

Dưới sự lãnh đạo của Đảng phát huy truyền thống quê hương người dân Quảng Hùng đã vươn lên, xoá đói giảm nghèo. Bộ mặt quê hương có nhiều khởi sắc. Phát huy truyền thống đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn xã quyết tâm phấn đấu đưa nền kinh tế xã nhà ngày càng phát triển, đời sống chính trị, xã hội tiến lên một tầm cao mới. Từ một làng quê nghèo đói, dưới sự lãnh đạo của Đảng mảnh đất Quảng Hùng đang hằng ngày thay da đổi thịt; nhiều ngôi nhà mái bằng, nhà cao tầng đã thi nhau mọc lên thay cho những ngôi nhà tranh, tre, nứa, lá. Hầu hết các gia đình đã có xe máy, gần 10 gia đình có xe ô tô, các thôn đều có hoặc đang xây nhà văn hóa để nhân dân sinh hoạt và vui chơi. Các công trình phúc lợi như trường học đang được kiên cố hoá. Khu trạm xá đang được đầu tư xây dựng; nay xã đang thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhựa hóa, bê tông hoá đường liên thôn, liên xã.

Trong những năm gần đây hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” do MTTQ Việt Nam phát động được phát triển mạnh mẽ. Đến nay toàn xã Quảng Hùng có 3 thôn đã được  công nhận thôn văn hoá.

Số gia đình được công nhận “Ông bà cha mẹ mẫu mực con cháu hiếu thảo”“Gia đình văn hoá”  ngày càng tăng.

          Có thể nói xã Quảng Hùng có vị trí quan trọng trong việc phòng thủ bảo vệ đất nước, có tiềm lực về phát triển kinh tế, văn hoá giáo dục, du lịch; nhân dân Quảng Hùng anh dũng trong chiến đấu, cần cù trong lao động, là xã có truyền thống hiếu học, nhiều người thành đạt.

II. NHÀ TRƯỜNG:

Trong những năm gần đây lãnh đạo và nhân dân Quảng Hùng luôn quan tâm đến công tác văn hoá giáo dục. Mặc dù kinh tế còn khó khăn song Đảng bộ và nhân dân đã quyết tâm bằng nội lực đóng góp của nhân dân và ngân sách địa phương xây dựng khu trường THCS mới trên khu đất mới tại thôn 4. Trường được xây dựng trên khu đất rộng rãi, thoáng mát với diện tích gần 10.000m2. Vị trí nằm tại trung tâm của xã đã tạo điều thuận lợi trong việc đi lại của học sinh khi đến trường cũng như khi tan học, đảm bảo an toàn giao thông cho các em.

DSC00638.JPG

Khuôn viên nhà trường

Nhà trường hiện có 8 phòng học cao tầng và 12 phòng chức năng khác đáp ứng tiêu chí của trường chuẩn quốc gia.

Hiện nay trường có 8 lớp với 333 học sinh;

Số cán bộ giáo viên là 23 , trong đó: 2 cán bộ quản lý; 4 giáo viên đặc thù;  1 kế toán; 1 văn thư, thiết bị; 19 giáo viên đứng lớp; có 14 cán bộ giáo viên là đảng viên.

Giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn 100% trong đó có 90% trên chuẩn và đang bồi dưỡng trên chuẩn.

DSCN0994.JPG

Tập thể các thầy cô giáo của trường năm 2013

Nhà trường đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS năm 2002, trong 10 năm qua luôn duy trì chuẩn PC với tỷ lệ năm sau cao hơn năm trước. Trong những năm gần đây Đảng bộ và nhân dân địa phương cùng với các thầy cô giáo trong nhà trường không ngừng nâng cao cơ sở vật chất, tu sửa khuôn viên, thi đua dạy tốt, học tốt.

1. Những thuận lợi

Nhà trường luôn được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương; sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND huyện, ngành Giáo dục và Đào tạo, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị xã hội trong xã. Đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình của hội cha mẹ học sinh và hội khuyến học bằng cả vật chất lẫn tinh thần. Tất cả những điều đó đã tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần từng bước xây dựng nhà trường ngày càng khang trang hơn.

Đội ngũ cán bộ giáo viên chuẩn hoá có bề dày kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, có lòng nhiệt tình, yêu nghề, có phẩm chất đạo đức tốt, tương ái giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Hầu hết học sinh là con em gia đình làm nghề nông và đánh bắt hải sản, các em chăm ngoan, chịu khó. Nhiều gia đình đã có ý thức và nguyện vọng đầu tư cho con cái học tập. Có nhiều học sinh tự giác, tích cực vượt khó vươn lên trong học tập và đạt thành tích cao. Số học sinh đạt  giải trong các kỳ thi học sinh giỏi và học sinh thi đậu các trường đại học, cao đẳng ngày càng nhiều. Đây thật sự là động lực thúc đẩy học sinh toàn trường cố gắng vươn lên trong học tập và rèn luyện.

Trường được kiểm tra công nhận trường đạt Chuẩn Quốc gia tháng 12 năm 2013. Đơn vị được công nhận Cơ quan Văn Hóa cấp Tỉnh năm 2014.

2.jpg

Đón nhận bằng công nhận trường chuẩn Quốc gia, Đơn vị văn hoá cấp tỉnh, Thư viện tiên tiến cấp tỉnh, danh hiệu tập thể lao động tiên tiến

Năm 2019, 2020 được UBND Thành phố Sầm Sơn chọn xây dựng là đơn vị Kiểu mẫu của Thành phố.

Năm 2020 Liên đoàn Lao động Thành phố Sầm Sơn xây dựng mô hình "Trụ sở làm việc Văn minh – Xanh sạch đẹp" trong đợt thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội Đảng các cấp, Đại họi thi đua yêu nước, Đại hội điển hình Tiên tiến trong CNVCLĐ thành phố Sầm Sơn.

2. Những khó khăn

Quảng Hùng là một xã thuộc vùng biển ngang nghèo hải sản, công cụ đánh bắt thô sơ, vùng nông nghiệp diện tích canh tác ít, manh mún, đất xấu. Đời sống nhân dân xã Quảng Hùng còn nghèo. Nhiều gia đình bố mẹ đi biển hoặc đi làm ăn xa vắng nhà nhiều ngày, để con cái ở nhà một mình hoặc ở với ông bà nên ít có điều kiện quan tâm đến việc quản lý, đôn đốc và giúp đỡ con em trong việc học tập. Một bộ phận bậc phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học của con em như không chuẩn bị đầy đủ cho con em đồ dùng học tập tối thiểu, do đó cũng làm ảnh hưởng đến  hiệu quả đào tạo của nhà trường.

Trong nhiều năm qua Đảng uỷ, chính quyền địa phương đã quan tâm đến xây dựng cơ sở vật chất đầu tư xây mới hoàn toàn hai khu trường THCS và trường Mầm Non.

Hiện tại nhà trường chưa có khu nội trú cho giáo viên, đa số giáo viên ở xa trường nên việc đi lại gặp không ít khó khăn. Hơn nữa trong điều kiện giá cả không ổn định, lương nhà giáo tuy có được cải thiện nhưng chưa cao, phần nào cũng  ảnh hưởng đến công việc chuyên môn.

Công tác xã hội hoá giáo dục của địa phương trong những năm qua đã phát triển nhưng nguồn kinh phí huy động được cho tu sửa cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục cũng như động viên khen thưởng còn hạn hẹp nên chưa thực sự thúc đẩy, chưa tạo được sức bật lớn cho phong trào thi đua dạy và học của nhà trường.

 SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ TRƯỜNG

1. Giai Đoạn 1945-1946

          Sau khi giành được chính quyền, đất nước gặp nhiều khó khăn chồng chất. Giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Chính sách ngu dân của thực dân Pháp đã làm cho dân tộc Việt Nam có trên 95% người mù chữ. Đảng và chính phủ cho đó là một thứ giặc cần phải chống kịp thời. Thực hiện lời kêu giọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát động phong trào Bình dân học vụ, việc người biết một chữ dạy người biết nửa chữ, người biết nửa chữ dạy người chưa biết chữ, vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ chưa biết thì con bảo, việc dạy và học diễn ra ở mọi lúc mọi nơi. Khắp nơi từ đình làng, cho đến ngõ xóm điều có khẩu hiệu động viên tham gia xoá mù chữ và đã trở thành  phong trào diệt dốt trên khắp xóm trên làng dưói. Sau cách mạng, xã Quảng Hùng ngày nay (trước đây thuộc xã Quảng Hải) có 3 làng : làng Bến, làng Trường Thái, làng Nang, nhà nào cũng có người đi học.

Trong giai đoạn này những người học vấn cao từ chế độ cũ của xã chỉ đếm trên đầu ngó tay:

Bằng tú tài:

-         Ông Lâm Văn Quang (thôn 10)

-         Ông Hàn Uyễn (Thôn 3) - Xã hội phong kiến phong danh hiệu.

-         Ông Viên Đình Bích (Thôn 2) Sau nguyên là cán bộ thanh tra Trung ương Đảng

-         Ông Lê Doãn Ngữ (thôn 6): Sau nguyên là cán bộ văn hoá huyện

-         Ông cai Khoa - Nguyên Chánh tổng chế độ cũ.

-         Lâm Văn Dinh (thôn 10) – Tú tài Pháp -  Sau nguyên là phó viện trưởng viện thiết kế quy hoạch Thanh Hoá.

Bằng Đitlom như:

- Ông: Nguyễn Ngọc Mài (thôn 2) Sau là giáo viên cấp 2.

- Ông: Lương Sỹ Tuyển (Thôn 4) Làm nghề thuốc

- Ông: Lê Vạn Phiên (thôn 7) Sau là giáo viên cấp 2

Bằng Rime như:

- ông Lê Vạn Cán (thôn 8)

          - ông Lê Vạn Đồng (Thôn 7)

 - ông Nguyễn Đức Hạ (thôn 9)

 - ông Lê Vạn Mạc (thôn 10) Sau là giáo viên cấp 2.

 - ông Lương Sỹ Truyện (thôn 4)

          - ông  Đỗ Đức Thịnh (thôn 5)

giao chuc.JPG

Các thầy cô giáo đã nghỉ chế độ tại địa phương

Một số ông đựợc chủ tịch UBND lâm thời huyện Quảng Xương Phạm Tiến Năng ký quyết định về dạy Bình dân học vụ tại xã, các thầy dạy bình dân như thầy: Lê Vạn Đồng, Lê Vạn Phiên sau đó là các thầy Nguyễn Ngọc Mài, Nguyễn Đức Hạ, Lê Vạn Mạc, Đỗ Đức Thịnh, Lương Sỹ Giáp….Thời kỳ này có các học sinh tiêu biểu như ông Lưu Văn Viết (thôn 2) - cán bộ công tác tại Lào, ông Lê Doãn Hồ (thôn 2) - Nguyên Bí thư đảng uỷ xã Quảng Hùng, ông Viên Đình Quảng (thôn 2) -  đội trưởng dân quân, bà Lê Thị Hợi (thôn 2) - Nguyên hiệu trưởng Mầm Non Quảng Hùng…

Trong thời gian này hình thức học diễn ra linh hoạt và phong phú như buổi trưa, học tối, việc đố chữ diễn ra mọi lúc mọi nơi, như cửa vào chợ, qua cổng làng… Nếu ai không đọc được chữ thì chưa được vào chợ, ra khỏi làng.  Kết quả có đến 90% người biết đọc, biết viết. Khi bầu cử Quốc Hội Khoá 1, cử tri đã tự mình đi bỏ phiếu, không phải nhờ vào người khác viết hộ phiếu bầu.

2. Giai Đoạn 1947-1953

Từ năm 1947-1953 đây là giai đoạn kháng chiến trường kỳ 9 năm của dân tộc ta chống thực dân Pháp. Cả xã Quảng Hải lớn lúc bấy giờ chỉ có một trường tiểu học đặt tại Quảng Hải, đây là trường học theo một nền giáo dục mới, nền giáo dục dân chủ nhân dân, xã Quảng hùng lúc này có tên là xã Nguyễn Trãi (gồm làng Thủ Phú, làng Kênh, làng Trường Tân). Không kể tuổi trẻ già đều học quốc ngữ a,b,c học đánh vần. Cả xã Nguyễn Trãi có khoảng 10 người tham gia học tiểu học tại trường như bà Lâm Thị Diếu (thôn 10), Nguyễn Văn Nghị (thôn 9), Nguyễn Hữu sáng (thôn 9)... . Hệ thống giáo dục nửa thực dân phong kiến đã được xoá bỏ. Số người học tiểu học ở trường học chỉ tập trung vào con em gia đình trung nông lớp trên. Đến năm 1957 trường cấp 1 được thành lập tại xã. Các thầy giáo tiêu biểu trong giai đoạn này như thầy Nguyễn Duy Mai (quê Quảng Giao), Lê Vạn Phiên (Quảng Hùng), Đỗ Xuân Xiển (Quảng Đức)… có nhiều học sinh đã thành đạt như ông: Viên Đình Kiên (thôn 3) nguyên chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, Hoàng Trọng Giảng - Kỹ sử xây dựng bộ xây dựng...

3. Giai Đoạn 1954-1961

Hoà bình lập lại; Miền bắc tiến lên CNXH xây dựng mô hình hợp tác xã, lúc này xã được đặt tên là xã Quảng Hùng (được tách từ xã Quảng Hải lớn), xã chưa có trường cấp 2. Trong thời kỳ này các thầy cô giáo dạy bình dân học vụ, dạy cấp 1 còn tham gia dạy cho cán bộ Miền Nam tập kết ra Bắc như thầy Nguyễn Ngọc Mài, thầy Lê Vạn Phiên... với cống hiến trên thầy Lê Vạn Phiên được vinh dự đại diện cho các thầy, cô giáo dạy học sinh Miền Nam tập kết nhận chữ “Tâm” do đồng chí Tổng bí Thư Đỗ Mười tặng (nhân dịp 50 năm kỷ niệm ngày HS tập kết Miền Bắc tại thành phố Hải Phòng)

Học sinh học cấp 2 của xã học tại trường huyện đặt tại Quảng Tân, những người học cấp 3 học tại trường Đào Duy Từ ở Thị xã Thanh Hoá. Trong giai đoạn này có nhiều học sinh xuất sắc như ông Lê Doãn Thuyết - Trung tá quân báo, ông Nguyễn Như Dần (thôn 9) - Nguyên hiệu trưởng trường trung cấp thuỷ sản Thanh Hoá, ông Bùi Ngọc Gia (Thôn 9) – Chuyên viên kỷ thuật hàng không, Lê Vạn Lự (thôn 7 ) - dược sỹ cao cấp - Nguyên quản đốc phân xưởng dược Thanh Hoá, Viên Đình Bưởi (thôn 2 ) - Kỷ sư Thuỷ Lợi - Chuyên gia thuỷ lợi tại Y Rắc, trưởng phòng kỷ thuật công ty thuỷ lợi Thanh Hoá. Phạm Công Khánh (Thôn 5) nguyên hiệu trưởng trường Cấp 1, 2 Quảng Châu...

3. Giai Đoạn 1962-1975

*Những thầy giáo làm hiệu trưởng từ năm 1962-1975

Thầy Nguyễn Văn Bảo, Người Quảng Tiến          Hiệu trưởng. 1962-1967.

Thầy Lê Trọng Huy  Người Quảng Giao        Hiệu trưởng  1967-1968

                Nguyễn Viết Tý  Người Quảng Giao               Hiệu trưởng  1968-1973

                 Nguyễn Văn Dần  Nguời Quảng Lưu              Hiệu trưởng  1973-1975

3.1. Thời kỳ từ 1962-1966:

          Tháng 5 năm 1962 trường cấp 2 Quảng Hùng được thành lập theo Quyết định của chủ tịch UBHC tỉnh Thanh Hoá. Đặt tại thôn 2, cơ sở vật chất chỉ là tranh tre nứa lá. Do đặc thù của vùng miền biển, trường ngoài việc dạy kiến thức văn hoá phổ thông còn dạy thêm một nghề ngư như: kỹ thuật đan lưới, đánh bắt cá, nuôi trồng thuỷ sản, chế biến hải sản… Nên trường được mang tên: Là trường phổ thông cấp 2 Thuỷ Sản.

Khi thành lập trường có 3 giáo viên: Hiệu trưởng nhà trường và là đảng viên duy nhất là thầy Nguyễn Văn Bảo (quê Quảng Tiến), thầy Đinh Viết Thản (Hà Tĩnh) và thầy Nguyễn Văn Khơi (Hậu Lộc). Các thầy nguyên là cán bộ ngành thuỷ sản cử về giảng dạy. Đến năm 1966 nhà trường có 7 giáo viên, trong đó có thầy Đinh Văn Khôi sau này được nhà nước phong tặng Nhà giáo ưu tú.

          Khoá học đầu tiên 1962 - 1965 chỉ có 1 lớp 5 sĩ số  64 học sinh, gồm các học sinh của các xã ven biển như: Quảng Hùng, Quảng Minh, Quảng Vinh, Quảng Đại, Quảng Hải, Quảng Tiến, Quảng Cư...

          Trong các năm sau nhà trường luôn duy trì mỗi khối 2 lớp với khoảng từ 140 đến 160 học sinh

          Nơi học đặt tại thôn 2 khu vực Hùng Sơn xã Quảng Hùng, trường chỉ là những lán tranh tre do kinh phí của Uỷ ban nhân dân xã và của phụ huynh học sinh đóng góp vật liệu và công xây dựng, văn phòng và một số lớp học đặt tại nhà dân.

          Đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, học sinh vừa học vừa trực chiến canh phòng bờ biển. Trong thời kỳ này máy bay đánh phá vào nhà dân  và vào lớp học, gây thương vong cho một số gia đình gần lớp học ở khu vực Hùng Sơn và Hùng Giang.

Học sinh khóa này hầu hết đều thành đạt : như ông Đỗ Đức Nghiện (thôn 4) Nguyên hiệu trưởng trường Đoàn tỉnh Thanh Hoá, Bí thư huyện uỷ Quảng Xương, Chủ tịch Hội nông dân tập thể tỉnh Thanh Hoá, bà Lương Thị Vũ (thôn 4 )- nguyên cán bộ tổ chức xí nghiệp vận tải tỉnh Thanh Hoá...

- Khoá học 1963 - 1966: Có 4 lớp với 137 học sinh. Nhà trường vẫn tiếp tục dạy văn hoá và dạy nghề phổ thông cho học sinh. Nhà trường đã thu được nhiều thành tích, khoá học này có nhiều học sinh đã trưởng thành. Một số đã là sỹ quan cao cấp của quân đội như anh Lương Sỹ Vui (thôn 4) - Đại tá quân đội, anh Đỗ Xuân Hải (thôn 5) - Đại tá quân đội, Anh Lê Ngọc Lân (Quảng Minh )- Chánh án toà án huyện, Lê Vạn Quỳnh (thôn 7) - Nhà giáo Ưu tú, Nguyễn Ngọc Thụ (thôn 6) - Hạt trưởng hạt kiểm lâm, ông Hoàng Trọng Đường - Nguyên chủ tịch UBND xã Quảng Hùng…

          Sau năm 1964 đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, các lớp học phải sơ tán trong khu vực Hồng Sơn. Do chiến tranh tàn phá khốc liệt, xã Quảng Hùng là xã ven biển gần khu vực quân sự của ta (là đại đội Rađa của quân chủng phòng không không quân)  nên nhiều khả năng bị Mỹ oanh tạc bằng không quân và rocket từ biển vào. Các lớp học phải đắp luỹ đất cao hơn đầu người, có hệ thống thông hào để sơ tán khi có máy bay Mỹ đánh phá. Nhiều lớp học được sơ tán vào nhà dân gần nơi trú ẩn. Trong các năm này nhà trường thành lập có trung đội dân quân tham gia gác biển, bắn máy bay của Mỹ do thầy Nguyễn Văn Bảo - hiệu trưởng nhà trường làm Trung đội trưởng.

          Giai đoạn này, nhà trường đã khẳng định được và  mô hình vừa học vừa làm vừa tham gia bảo vệ tổ quốc và đã đạt  được nhiều thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo. Chính hướng đi này đã tạo được một mô hình mới của ngành giáo dục tỉnh Thanh Hoá. Nhà trường được ty giáo dục Thanh Hoá công nhận là trường tiên tiến cấp tỉnh và được mệnh danh là "Lá cờ hồng bên bờ biển xanh". Trong giai đoạn này nhà trường đã đào tạo được nhiều học sinh cho các xã ven biển sau là các cán bộ quản trị các hợp tác xã nông nghiệp, thuỷ sản cho các địa phương. Thầy cô giáo tiêu biểu trong thời kỳ này như cô Lê Thị Thoa, thầy Dư Công Thắng... Đến cuối  năm 1967 do yêu cầu công việc Thầy Bảo đi làm nhiệm vụ khác (Sau thầy là trưởng phòng giáo dục Quảng Xương, Trưởng ban tuyên giáo Huyện uỷ)

3.2 - Thời kỳ từ  1967-1974.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, trường phải sơ tán khu vực Đức Tiến, nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường là dạy văn hoá cho học sinh phổ thông và bổ túc văn hoá, nên trường được đổi tên thành trường phổ thông cấp 2 Quảng Hùng. Trong những năm học này, nhà trường phải đào hào, đắp luỹ cao quá đầu người quanh lán học. Mỗi tổ được nhà trường giao cho làm 1 hầm chữ A cạnh giao thông hào. Học sinh đều đội mũ rơm đi học để tránh mảnh đạn pháo, bom của chiến tranh. Mỗi học sinh còn có túi cứu thương như bông băng, thuốc đỏ, nẹp cứu thương. Hầu hết học sinh học xong lớp 7 đi bộ đội, còn số ít học cấp 3 Quảng Xương 1.

  Phong trào thi đua  "Hai tốt": Dạy thật tốt, học thật tốt, của ngành phát động học tập điển hình tiên tiến của trường Bắc Lý (Hà Nam) được thầy và trò hưởng ứng tích cực. Nhiều tấm gương sáng trong giảng dạy và  học tập được cấp uỷ và chính quyền ghi nhận; như cô Lê Thị Thoa, Thầy Đinh Văn Khôi là giáo viên giỏi cấp huyện. Học sinh như Lê Vạn Liên (thôn 7) - Nguyên Bí Thư Đảng uỷ xã Quảng Hùng, bà Lương Thị Trọng (thôn 5)– Nguyên phó giám đốc bệnh viện 71 TƯ, Lương Sỹ Trấn - Nguyên Giám đốc Bảo hiểm Sầm Sơn, Trương Duy Thiệu (thôn 3), Lê Thị Hạnh (thôn 10) - Sau là giáo viên,… Nhà trường còn đảm nhiệm dạy bổ túc cho cho cán bộ xã chưa hết chương trình cấp 2; với số lớp là 3, số học viên bổ túc mỗi lớp từ 17 - 25. Người dạy là các thầy cô giáo trong nhà trường như cô Lê Thị Thoa, thầy Dư Công Thắng, thầy Viên Đình Thao…

 Năm 1968 chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt, nhiều trường chuyên nghiệp của tỉnh, của trung ương được đặt tại xã Quảng Hùng như; Trường trung cấp xây dựng của bộ xây dựng, trường Đoàn tỉnh Thanh Hoá, trường công nhân Thuỷ Lợi Thanh Hoá. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, chủ trương của UBND tỉnh cho phép mỗi xã được thành lập một trường cấp 2. Nên thời gian này trường cấp 2 Quảng Hùng chủ yếu là học sinh của xã, riêng học sinh học lớp 7 còn lại là học sinh của nhiều xã. Năm học này chiến tranh đang diễn ra ác liệt, trường học vẫn học tại khu Đức Tiến. Trong giai đoạn này ngành giáo dục  phát động phong trào thi đua "Hai tốt". Học tập những gương sáng của anh hùng liệt sỹ như Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân. Đặc biệt học tập gương anh dũng quên  mình cứu bạn của Nguyễn Bá Ngọc. Sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Bá Ngọc tạo ra khí thế thi đua sôi nổi về học tập và lao động trong thiếu niên, nhi đồng ở các nhà trường trong toàn huyện.

Trong giai đoạn này nhà trường duy trì đủ các khối học trong trường với số lớp là 6, số học sinh hàng năm từ khoảng 150-190 học sinh. Rất nhiều học sinh đã viết đơn tình nguyện đi bộ đội vào chiến trường Miền Nam khi còn ngồi trên nghế nhà trường trong đó nhiều người đã anh dũng hy sinh như anh Lê Văn Luyện (thôn 3), Lê Doãn Hỷ (Thôn 2), Lưu Văn Vùng (thôn 1)...

  Học sinh tiêu biểu trong giai đoạn này như anh Trình Xuân Bảo (thôn 5) đại diện hàng không Việt Nam tại Nga, Lê Thanh Doãn (thôn 3)- nguyên chủ tịch UBND xã, chị Nguyễn Thị Hoa (thôn 9) - Phó chủ tịch UBND xã, anh Viên Ngọc Hồi (thôn 2) - Phó CT UBND xã, anh Nguyễn Đức Vân (thôn 9) - Bí Thư Đảng uỷ xã...

Trong giai đoạn này nhà trường bám sát vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành, với khẩu hiệu “Dù khó khăn đến đâu vẫn tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”, đưa các hoạt động của nhà trường thích nghi với hoàn cảnh thời chiến. Ngành giáo dục sôi nổi không khí thi đua học và làm theo thư Bác Hồ gửi cho ngành 15 tháng 10 năm 1968. Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên hoạt động sôi nổi, như làm bèo hoa dâu, Đoạn đường em nuôi, chăm sóc trâu bò cho hợp tác xã…

4. Giai đoạn 1975 – 1995

          Đại thắng mùa xuân năm 1975 non sông thu về một mối cả nước quá độ đi lên CNXH. Trong thời kỳ này đất nước gặp muôn ngàn khó khăn về phát triển kinh tế, các thế lực thù địch vẫn không ngừng chống phá cách mạng Việt Nam, giáo dục bước sang một giai đoạn mới đầy khó khăn, Trường cấp 2 Quảng Hùng cũng không nằm ngoài khó khăn đó. Các thầy cô đã làm hiệu trưởng nhà trường qua các năm: 

Cô Lê Thị Thoa làm Hiệu trưởng  1975 - 1976 Trường cấp 2

Nguyễn Huy Vinh làm Hiệu trưởng  1976-1979 Trường cấp 2

Nguyễn Văn Viên làm Hiệu trưởng  1979-1984 Trường cấp 2

Cô Lê Thị Thoa  Làm Hiệu trưởng  1984-1992: Trường phổ thông cơ sở.

 Thầy Lê Xuân Ân  Làm Hiệu trưởng 1992-1996: Trường phổ thông cơ sở

Trong giai đoạn này được sự quan tâm của Đảng uỷ, chính quyền địa phương, trường cấp 2 Quảng Hùng được xây dựng trên một khu đất mới thuộc thôn 5 xã Quảng Hùng. Nhiều năm trong chiến tranh các thế hệ học sinh chỉ học lán tranh tre, quanh lớp là luỹ cát để tránh đạn bom, bàn ghế thì tạm bợ. Đến thời kỳ này thầy cô và học trò được học trong trường tường gạch lợp ngói gồm 4 phòng, có nơi để làm văn phòng và để đồ dùng dạy học.

          Theo chủ trương của Bộ giáo dục hai trường cấp 1 và cấp 2 trong một xã được nhập lại thành trường Phổ thông cơ sở. Trong những năm học này nhà trường đã có đủ các tổ chức chính trị, đoàn thể: Chi Bộ Đảng được thành lập gồm 3 Đ/C, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên nhi đồng, tổ nữ công. Trong giai đoạn này nhà trường đã làm tốt nhiệm vụ trọng tâm của mình.

          Nhà trường tiếp tục phát động phong trào thi đua 2 tốt, tổ chức các hoạt động lao động cải tạo khuôn viên, trồng cây lấy gỗ, làm cho trường khang trang. Các thầy giáo tiêu biểu như thầy Nguyễn Sỹ Nghi đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh, 7 năm liền là chiến sỹ thi đua liên tục. Phát huy truyền thống đạt được những năm sau nhiều thầy cô giáo đã thi và đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện như cô Phạm Thị Hải, Nguyễn Thị Lý... Nhà trường được công nhận trường tiên tiến cấp huyện. 

 Học sinh tiêu biểu trong thời kỳ này như Lâm Văn Khánh - trưởng Phòng bảo hiểm BV huyện Quảng Xương, Lâm Văn Tỉnh Giám đốc bệnh viên lao tỉnh Hoà Bình, Lê Vạn Sáng - Đại tá - cán bộ trường học viện chính trị;  Phạm Công Bằng - Cán bộ ngân hàng TP Hồ Chí Minh, Đỗ Đức Lợi - Phó ban kinh tế hội Nông dân tập thể tỉnh Thanh Hoá, Đỗ Thị Thuý - Hiệu trưởng trường tiểu học Quảng Hùng...

5. Giai Đoạn Từ 1996 Đến nay

Các thầy cô đã  làm hiệu trưởng nhà trường

               Thầy Lê Xuân Ân  Làm Hiệu trưởng 1996-2003:Trường trung học cơ sở.

Thầy Trương Duy Dân Hiệu trưởng  2003-2012: Trường trung học cơ sở.

Thầy Nguyễn Sỹ Thuấn Hiệu trưởng từ tháng 6 năm 2012: Trường THCS

IMG_0389.JPG

Trường THCS Quảng Hùng năm 2009

          Trong giai đoạn này đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, nền kinh tế từng bước được cải thiện bên cạnh đó là sự phát triển về giáo dục.  Năm 1996 trường phổ thông cơ sở được tách ra làm 2 trường là Trường tiểu học và trường THCS. Trường tiểu học do cô Phạm Thị Hải làm hiệu trưởng; trường THCS do thầy Lê Xuân Ân làm hiệu trưởng. Nhà trường được công nhận là nhà trường tiên tiến cấp huyện. Thầy cô giáo tiêu biểu trong thời kỳ này là cô: Lưu Thị Hoà, Nguyễn Thị Thái - đạt giáo viên giỏi tỉnh, giáo viên giỏi huyện như cô: Nguyễn Thị Thuỷ, Phạm Thị Yến... Học sinh trong thời kỳ này có nhiều học sinh giỏi như Đỗ Đức Thuần (thôn 4) Bác sỹ bệnh viện 103, Phạm Công Dân (thôn 5)- Tiến sỹ toán học giảng viên trường đại học sư phạm Hà nội, Lê Công Cường (thôn 9) - Tiến sỹ Toán học, Lê Doãn Quang (thôn 9) - Tiến  sỹ, giảng viên trường học viện hàng không...

          Trong năn 2002, 2003, 2004 nhà trường được Chủ tịch UBND huyện công nhận là trường tiên tiến cấp huyện, Công đoàn được Công đoàn giáo dục tặng giấy khen. Nhà trường có nhiều giáo viên đạt giáo viên giỏi huyện như thầy Lê Trần Cường, cô Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Thuỷ,  học sinh đạt giải cấp tỉnh như em Lưu Thị Thu, Lê Đức Thắng, em Lê Văn Nam…

          Trong những năm nhà trường thực hiện cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung, thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, hưởng ứng phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Nhiều gương điển hình tiên tiến đã xuất hiện trong nhà trường như cô Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thuỷ, Thầy Lâm Hồng Quân, thầy Nguyễn Văn Hoà..., thầy Nguyễn Sỹ Thuấn viết chương trình phần mềm quản lý PCTHCS được công nhận đề tài cấp tỉnh được triển khai sử dụng trong toàn tỉnh được sở giáo dục tặng khen. Năm học nào nhà trường cũng điều có học sinh tham gia đội tuyển thi cấp tỉnh và đạt giải cao các môn Ngữ Văn, môn Hoá như em: Lê Thị Thu, Hoàng Thị Vân Anh, Hoàng Trọng Nam...

DSCN0950.JPG

          Trường THCS Quảng Hùng năm 2002

         Từ năm 2004 cơ sở vật chất nhà trường xuống cấp không đáp ứng được các yêu cầu dạy học trong thời kỳ mới, dưới sư lãnh đạo của Huyện uỷ, UBND huyện Quảng Xương, đặc biệt là sự quyết tâm cao và sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo xã, bằng nguồn vốn của địa phương và nhân dân đống góp, UBND xã đã xây xong khu trường 12 phòng trị giá trên 3 tỷ đồng và khu nhà 8 phòng xây dựng bằng trái phiếu chính phủ trên khu đất mới đã đảm bảo về diện tích, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học của thầy và trò nhà trường. Các công trình vệ sinh, nguồn nước sạch, bồn hoa, cây cảnh  đã được nhà trường chú ý xây dựng đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp và thân thiện. Nhà trường được UBND xã  chăm lo về cơ sở vật chất như phòng thực hành, phòng máy tính và nhiều phòng chức năng khác.

DSC02886.JPG

         Trường THCS QUảng Hùng năm 2017

           Năm 2012 Nhà trường được chủ tịch UBND huyện chỉ đạo xây dựng trường chuẩn Quốc gia, và được công nhận trường đạt chuẩn vào tháng 12 năm 2013. 

          Năm 2014 trường được đón nhận Cơ quan văn hóa cấp tỉnh

          Năm học 2012-2013 – Được UBND huyện Quảng Xương tặng giấy khen.

          Năm học 2013-2014 Đạt tập thể lao động tiến tiến.

          Năm học 2015-2016 Đạt tập thể lao động tiến tiến.

          Năm học 2017-2018 Đạt tập thể lao động tiến tiến.

DSC_0075.JPG

         Đội tuyển học sinh giỏi đạt giải cấp Thành phố, cấp tỉnh của trường năm học 2016-2017

Từ khi sát nhập về Sầm Sơn trường THCS Quảng Hùng luôn xếp đầu về các mặt hoạt động giáo dục, đặc biệt trong công tác giáo dục đại trà, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và chất lượng thi vào THPT. Trường được UBND TP Sầm Sơn xây dựng đơn vị điển hình.

          Nhìn lại chặng đường xây dựng và trưởng thành của trường hơn 50 năm với bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, trường THCS Quảng Hùng đã không ngừng phấn đấu thực hiện tốt “Chiến lược con người”.  Mái trường này là nơi đã đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng lâu đài tri thức cũng như nhân cách của mỗi học sinh, giúp các em trở thành những công dân có ích cho xã hội. Từ những ngày đầu số giáo viên còn ít ỏi với 3 thầy cô giáo. Đến nay một đội ngũ cán bộ gồm 26 thầy cô giáo được đào tạo chính qui, hầu hết đều có trình độ đạt chuẩn, trong đó có 90% đạt trình độ trên chuẩn, 1 đồng chí thạc sỹ. Từ chỗ có 1 Đảng viên đến nay nhà trường có 14 Đảng viên trẻ khỏe năng động. Chi bộ nhà trường luôn đạt chi bộ trong sạch vững mạnh. Niềm vinh dự trồng người là trách nhiệm vô cùng lớn lao đối với BGH và tập thể CBGV công tác dưới mái trường có bề dày lịch sử này.

Từ lúc văn phòng nhà trường mượn tạm nhà dân, lớp học tạm bợ tranh tre nứa lá. Đến nay nhà trường có 8 phòng học cao tầng, 12 phòng chức năng khác đang được hoàn thiện và sử dụng, văn phòng khang trang, sạch đẹp, khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, bồn hoa cây cảnh đã được quy hoạch và được chú trọng xây dựng. Đội ngũ các thầy cô đều có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, tận tuỵ hết lòng vì học sinh thân yêu. 100% giáo viên có trình độ chuyên môn khá, giỏi trở lên, trong đó có nhiều giáo viên đã đạt thành tích giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp huyện.

  Những thế hệ học sinh của nhà trường đã và đang ngày đêm góp sức mình xây dựng và bảo về tổ quốc. Trong số hàng nghìn học trò thân yêu ấy có nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình xứng đáng để thế hệ măng non học tập và noi theo. Nhiều người được phong học hàm, học vị. Quảng Hùng đã có: 3 tiến sỹ, 13 thạc sỹ, 1 nhà giáo ưu tú, 9 sỹ quan trung, cao cấp. Ngoài ra còn có nhiều kỹ sư bác sĩ, sĩ quan quân đội đang công tác trên mọi miền tổ quốc, nhiều người là cán bộ lãnh đạo xã, cán bộ thôn xóm và các lớp Đoàn viên, Đảng viên, trí thức là nòng cốt xây dựng quê hương.

Hiện nay toàn xã có gần 100 em đang học tập tại các trường Đại học, Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong cả nước, hơn 200 học sinh đang học tại trường THPT. Tất cả họ đã từng có thời gian học tập, rèn luyện, tu dưỡng tại mái trường thân yêu này.

          Những con số ấn tượng trên minh chứng cho sự nghiệp giáo dục của xã nhà. Trong đó có cả phần đóng góp không nhỏ của nhiều thế hệ giáo viên đã từng công tác tại miền quê yêu dấu này. Đến nay nhiều giáo viên đang tiếp tục công tác trên con đường giáo dục, nhiều đồng chí đã bạc trắng mái đầu, nhiều đồng chí đã về nghỉ chế độ, đã có những đồng chí đã về nơi tổ tiên. Người còn, người mất nhưng chúng ta tự hào các thế hệ thầy cô giáo, các thế hệ học sinh kế tiếp nhau, là những người thông minh, sáng tạo, có lương tâm và có trách nhiệm vì học sinh thân yêu. Tất cả những điều đó được ghi vào truyền thống nhà trường mà thầy trò trường THCS Quảng Hùng và các thế hệ học sinh sau này mãi mãi sẽ không bao giờ quên.

Thầy trò nhà trường luôn  dành những tình cảm tốt đẹp nhất đối với thế hệ thầy cô hiện đang công tác trong ngành giáo dục, những thầy cô đã nghỉ hưu, đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của xã nhà. Và xin hứa quyết tâm kế thừa, nối tiếp truyền thống dạy và học mà các thầy cô đi trước đã dày công xây dựng và vun đắp. Phát triển hơn nữa niềm tự hào về sự lớn mạnh của sự nghiệp giáo dục nói chung và của trường THCS Quảng Hùng nói riêng.

          Trong các cuộc kháng chiến trường Quảng Hùng đã có gần 1270 cán bộ giáo viên và học sinh tham gia bảo vệ tổ quốc và hôm nay chúng ta kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ 79 liệt sĩ đã hy sinh thân mình trên các chiến trường bảo vệ nền độc lập  tự do của Tổ quốc. Họ là những học trò được học tập và rèn luyện từ mái trường này. Họ mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Chúng ta ghi nhớ công ơn của 77 thương bệnh binh đã gửi lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường khói lửa để giữ mãi mùa xuân cho đất nước. Chúng ta cảm ơn 4 bà mẹ Việt Nam anh hùng đã sinh ra những người con ưu tú cho quê hương Việt Nam nói chung và quê hương Quảng Hùng nói riêng.

            Được vinh dự công tác và học tập dưới mái trường có bề dày lịch sử, thầy và trò trường THCS Quảng Hùng nguyện phấn đấu giành nhiều thành tích cao hơn nữa góp phần tô thắm cho sự vẻ vang xã Quảng Hùng thân yêu, không phụ lòng tin của Đảng bộ và nhân dân xã nhà, xứng đáng là con em của Quảng Hùng. Tập thể cán bộ giáo viên trường THCS Quảng Hùng quyết tâm đồng sức, đồng lòng xây dựng nhà trường thành một tập thể sư phạm đoàn kết, ra sức thi đua dạy tốt - học tốt nguyện cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Cương quyết ngăn chặn mọi tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường cũng như xử lý nghiêm các hiện tượng xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm thầy giáo và học sinh để nghề dạy học thực sự là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý.

            Thầy trò nhà trường luôn ghi nhớ lời dạy của bác:Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” và không quên dành những tình cảm tốt đẹp nhất đối với các thế hệ thầy cô đã từng giảng dạy, công tác tại nhà trường qua các thời kì, những người đã khuất, những người đã nghỉ hưu và đã chuyển công tác đến miền quê khác.


Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
23227